Phát bệnh về mắt vì đeo kính râm rẻ tiền, kém chất lượng

VOH - Bác sĩ nhãn khoa đã chia sẻ mẹo chọn và đeo kính râm sau khi một TikToker tuyên bố bị bệnh về mắt do đeo kính râm "giá rẻ", không bảo vệ khỏi tia UV có hại.

Trước đó, trong video thu hút hơn 4 triệu lượt xem, tiktoker tên Courtney chia sẻ: “Vì tôi quyết định mua một chiếc kính râm thời thượng có giá khoảng 5 đô la từ Amazon, nên tôi đang phải trả mức giá cao nhất”.

Courtney cho biết, cô được chẩn đoán mắc bệnh pinguecula với những khối u màu vàng vô hại ở phần trắng của cả hai mắt - sau khi đeo kính râm.

Cô cũng thừa nhận, đôi khi cô không đeo kính râm vì không muốn làm hỏng lớp trang điểm của mình.

kinh-ram-060524
Ảnh: stock.adobe.com

Tiến sĩ Brian Boxer Wachler, người sáng lập Viện Thị giác Boxer Wachler ở Beverly Hills, nói với The Post rằng, ngay cả một cặp kính râm giá rẻ sản xuất tại Mỹ “sẽ có khả năng bảo vệ tuyệt vời”.

Theo Tiến sĩ Wachler: “Vấn đề là kính râm giá rẻ trên Amazon có thể được sản xuất ở các quốc gia khác mà không có tiêu chuẩn chất lượng như Hoa Kỳ”.

Tiến sĩ Wachler từng mang máy đo tia UV đến bãi biển Venice ở California để đo kính râm ở nhiều cửa hàng khác nhau.

Ông cho biết, ông đã tìm thấy một số cặp kính sản xuất tại Trung Quốc “hầu như không có khả năng chống tia cực tím mặc dù đã được nhuộm màu”.

Ông nói với The Post: “Những chiếc kính râm này sẽ ‘ru’ mọi người vào cảm giác an toàn sai lầm về việc được bảo vệ trong khi thực tế thì không và sẽ gây tổn hại cho mắt của họ”.

Tiến sĩ Wachler khuyên mọi người nên đeo kính râm thích hợp mọi lúc khi ở ngoài trời - ngay cả trong những ngày nhiều mây vì tia UV vẫn xuyên qua mây.

Hiện tượng đỏ mắt, đỏ ngầu hoặc đốm vàng không biến mất sau một đêm ngon giấc có thể là dấu hiệu của tổn thương vĩnh viễn do ánh nắng mặt trời. Người lớn nên khám mắt hàng năm.

Nhiều năm trước, Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) đã thiết lập các hướng dẫn yêu cầu kính râm và kính mắt thời trang không cần kê đơn phải được kiểm tra khả năng truyền tia cực tím và ánh sáng khả kiến.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyên người mua kính nên tìm nhãn có nội dung “Đáp ứng các yêu cầu về tia UV của ANSI” hoặc “Hấp thụ tia cực tím lên đến 400 nm”, có nghĩa là kính chặn ít nhất 99% tia UV. Trong khi đó, kính râm được dán nhãn “mỹ phẩm” chặn khoảng 70% tia UV.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có tiêu chuẩn riêng về sản phẩm này.